fbpx

BẢO VỆ DA KHỎI TÁC HẠI CỦA ÁNH NẮNG MẶT TRỜI

Tình trạng nắng nóng tại TP.HCM liên tục xuất hiện với lời cảnh báo về tia UV đang gần chạm ngưỡng, cùng những tác hại mà tia UV gây ra mà trong đó Ung thư da là mối lo sợ hàng đầu khiến nhiều người trong số chúng ta lo ngại. Trước tình trạng đó làm sao bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời?

Đối tượng bị ảnh hưởng
Không quan trọng lứa tuổi, giới tính,… dù bạn là ai ánh nắng mặt trời cũng không hề bỏ quên bạn. Tất cả chúng ta khi tiếp xúc với ánh mặt trời đều có nguy cơ bị mắc một số triệu chứng hoặc bệnh do tia UV gây ra. Hiện nay tỷ lệ ung thư da tại Việt Nam còn thấp, vì nói chung ung thư da thường gặp ở người da trắng hơn do tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời cao hơn so với người da màu.. Tuy nhiên TCYTTG chỉ ra rằng mặc dù ung thư da ít gặp ở người da màu nhưng hậu quả xấu hơn vì được chẩn đoán trễ.

Tại sao phải bảo vệ da khỏi tia nắng mặt trời?
Bạn có biết khi tiếp xúc tia cực tím quá mức trong thời gian ngắn hoặc tích lũy trong thời gian dài sẽ có tác động xấu lên da, mắt, và hệ thống miễn dịch. Tia cực tím ức chế hệ miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và giảm hiệu quả của các chương trình tiêm chủng. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (TCYTTG), tia cực tím gây ra hoặc làm nặng thêm 20% các trường hợp đục thủy tinh thể, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.

Chúng ta cùng làm rõ một số yếu tố ảnh hưởng . Trong ánh nắng mặt trời có 2 loại tia cực tím làm tổn thương da, đó là UVA và UVB. Tia UVB thay đổi cường độ theo từng thời điểm trong ngày, cao nhất là khoảng 10 – 14g. Những tháng hè là thời gian UVB gây tổn thương da nhiều nhất, chiếm khoảng 70% số người tiếp xúc tia cực tím. UVB tác động trực tiếp lên lớp thượng bì (lớp ngoài cùng của da), gây các tổn thương tức thì như rám nắng, bỏng nắng.

Tia UVA có một số tính chất khác so với UVB. Cường độ UVA giữ ổn định trong ngày, không có thời điểm đạt mức tối đa. UVA không bị lọc bởi các loại kính thông thường, do vậy tia có thể xuyên qua kính cửa sổ và xe hơi. Tia UVA còn có khả năng xuyên sâu vào da đến lớp bì, tác động lâu dài, tích lũy theo thời gian.
Tác hại của ánh nắng mặt trời, mà cụ thể là tia cực tím trên da gồm có 2 loại: ngắn hạn và dài hạn.

UVB gây ra hầu hết các tác hại ngắn hạn như bỏng nắng, biến đổi màu sắc da, rám da, đau rát và ở những trường hợp nặng da có thể bị phồng rộp…Tiếp xúc quá nhiều tia UVB làm cho lớp ngoài cùng của da dầy hơn. Đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của da nhưng có thể gây tổn thương nhiều vì làm cho lớp thượng bì hấp thu và tán xạ tia UVB nhiều hơn.

Cả 2 loại tia, nhất là UVA, đều gây tác động dài hạn, tích lũy theo thời gian như: sản xuất gốc tự do, lão hóa do ánh sáng và sinh ung thư. Tiếp xúc lâu dài với ánh nắng làm biến đổi kết cấu và giảm độ đàn hồi da, dẫn đến các biểu hiện lão hóa sớm như nếp nhăn, chùng da, túi mỡ, xạm da…
Tiếp xúc với tia cực tím và bỏng nắng trong thời thơ ấu được xem là có liên quan đến ung thư da sau này như u hắc tố, ung thư tế bào gai và ung thư tế bào đáy. Theo một hướng dẫn của TCYTTG, ung thư da chiếm 1/3 các loại ung thư trên toàn thế giới. Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời đã được xác định là nguyên nhân chính gây tăng tỷ lệ ung thư da trên thế giới từ những năm 1970, và chỉ có thay đổi lối sống mới có thể ngăn được khuynh hướng này. Do vậy, việc giáo dục sức khỏe về phòng tránh tác hại của ánh nắng mặt trời là rất cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Phương pháp nào là hiệu quả trong việc tránh ánh nắng mặt trời?
Đối mặt với những tác động rất mực nguy hiểm của ánh nắng mặt trời, những phương pháp bảo vệ da hiện là một điều vô cùng cần thiết:

Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian 10 – 16g vì có chỉ số UVI cao nhất.

Chọn các loại quần áo dài tay, thoải mái. Trang phục màu tối bảo vệ tốt hơn loại màu sáng.

Đeo khẩu trang, đội nón, nhất là những loại rộng vành để bảo vệ mặt, tai, gáy…

Thường xuyên sử dụng kính mát khi ra ngoài trời nắng nhằm phòng ngừa đục thủy tinh thể và bảo vệ vùng da quanh mắt. Chọn loại có lớp bao kín 2 bên, đeo càng gần mắt càng tốt. Đặc biệt quan trọng cho trẻ em.

Sử dụng chất chống nắng: gồm thuốc bôi và viên uống chống nắng, có vai trò quan trọng làm giảm tác hại của ánh nắng mặt trời.
Thị trường tràn lan những sản phẩm chống nắng cùng những công dụng được quảng cáo rất rầm rộ, làm sao để có thể chọn và sử dụng đúng mục đích và hiệu quả?

1: Chọn lựa kem chống nắng phù hợp.

Nên chọn loại có chỉ số SPF từ 30 trở lên. SPF thể hiện khả năng ngăn tia UVB và phòng ngừa bỏng nắng so với da không được bảo vệ.

Chọn loại kem chống nắng phổ rộng (Broad Spectrum), nghĩa là bảo vệ da khỏi tác hại của cả tia UVA và UVB.

Chọn loại kháng nước vì sẽ giữ tác dụng được lâu kể cả khi ra mồ hôi.

Chọn loại kem chống nắng phù hợp với loại da của mình. Nếu không biết chọn loại nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Chọn các dạng bào chế tùy thuộc mục đích sử dụng:
 Dạng cream: thích hợp cho da thường và da khô
 Dạng gel: thích hợp cho da thường, da nhờn
 Dạng xịt (spray): sử dụng trên diện rộng
 Dạng thỏi: bảo vệ vùng môi…
 Dạng bánh (compact): phấn nền trong trang điểm.

2. Sử dụng kem chống nắng đúng cách

Nên sử dụng kem chống nắng mọi lúc bạn ra ngoài tiếp xúc với ánh mặt trời trong hơn 20ph, không chỉ vào những ngày nắng, nóng mà cả những ngày có mây.

Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài nắng khoảng 15 – 20ph để hấp thu kem chống nắng và cho hiệu quả bảo vệ.

Sử dụng đủ lượng kem chống nắng, tránh bỏ sót những vùng cơ thể tiếp xúc ánh nắng.

Bôi kem trên những vùng da không che chắn như cổ, mặt, tai, đầu ngón tay, chân. Những vùng cơ thể khó bôi như lưng, hãy nhờ người thân giúp bôi. Nếu ít tóc hoặc tóc mỏng, hãy bôi kem chống nắng trên da đầu hay đội một nón rộng vành. Để bảo vệ môi, cần loại kem có SPF từ 15.

Bôi lại kem chống nắng mỗi 2 giờ để duy trì hiệu quả bảo vệ, hoặc bôi lại ngay sau khi bơi, hay đổ mồ hôi nhiều ngay cả khi sử dụng loại kem chống nắng kháng nước.

Kiểm tra hạn sử dụng của kem chống nắng. Thường là khoảng 3 năm, tuy nhiên nhiệt độ quá cao có thể làm ngắn lại hạn sử dụng của kem.

Có thể kết hợp viên uống chống nắng với kem chống nắng để cho hiệu quả tối ưu.
Tác hại của ánh nắng mặt trời lên da có thể ngắn hạn, tức thì (bỏng nắng, rám da…) hoặc dài hạn, tích lũy theo thời gian (lão hóa da, ung thư da). Để phòng tránh tác hại nghiêm trọng của ánh nắng mặt trời đối với sức khỏe nói chung và trên làn da nói riêng, chúng ta cần tuân thủ những biện pháp bảo vệ để tránh những hậu quả xấu đến sức khỏe sau này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now Button