fbpx

Điều trị bệnh da – VIÊM DA CƠ ĐỊA (CHÀM)

VIÊM DA CƠ ĐỊA (ECZEMA – ATOPIC DERMATITIS)

(Bệnh chàm thể tạng;  Chàm)

Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da tái phát mạn tính với cơ chế bệnh sinh phức tạp liên quan đến tính nhạy cảm di truyền, rối loạn chức năng miễn dịch và biểu bì, và các yếu tố môi trường. Ngứa là triệu chứng chính; với các tổn thương da từ ban đỏ mức độ nhẹ đến lichen hóa (dày da) mức độ nặng, cho đến đỏ da.

Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em thường khỏi hoặc giảm đáng kể ở tuổi trưởng thành.

  1. Căn nguyên
    Viêm da dị ứng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em ở khu vực thành thị hoặc các nước có thu nhập cao và tỷ lệ mắc bệnh đã tăng lên trong 30 năm qua; có tới 20% số trẻ em và 10% số người lớn ở các nước có thu nhập cao bị ảnh hưởng. Hầu hết trẻ có triệu chứng trước 5 tuổi, thường nhất trước 1 tuổi; tuy nhiên, vài ca có thể bắt đầu vào cuối tuổi trưởng thành.
    Nhiều bệnh nhân hoặc thành viên trong gia đình bị viêm da dị ứng cũng bị hen suyễn dị ứng và/hoặc viêm kết mạc dị ứng. Bộ ba bệnh viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng và bệnh hen suyễn được gọi là tạng dị ứng hoặc tạng cơ địa.
  2. Sinh lý bệnh: Tất cả những yếu tố sau đây góp phần vào sự phát triển của bệnh:
    • Yếu tố di truyền
    • Rối loạn chức năng hàng rào thượng bì
    • Cơ chế miễn dịch
    • Các tác nhân kích hoạt từ môi trường

    Các gen liên quan đến viêm da cơ địa là những protein mã hoá biểu bì và các protein miễn dịch. Một yếu tố chính dẫn đến viêm da cơ địa là sự tồn tại đột biến mất chức năng trong gen mã hóa cho protein filaggrin ở nhiều bệnh nhân. Filaggrin là một thành phần của lớp vỏ tế bào được hóa sừng được sản sinh ra bằng cách biệt hóa các tế bào sừng, hình thành hàng rào hút ẩm của lớp sừng (tức Yếu tố giữ ẩm tự nhiên).
    Ở những bệnh nhân có tạng dị ứng, viêm da cơ địa thường có trước viêm mũi kết mạc do dị ứng và hen suyễn. Đôi khi, trình tự này được gọi là “chặng đường dị ứng”, xảy ra do khiếm khuyết hàng rào da, là sự thiếu hụt chính trong các bệnh dị ứng.

  3. Các triệu chứng và dấu hiệu
    Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện ở trẻ nhũ nhi, sớm nhất là 3 tháng tuổi.

    giai đoạn cấp tính, tổn thương là các mảng hoặc mảng có vẩy, đỏ, dày, ngứa dữ dội, có thể bị xước do gãi.

    giai đoạn mạn tính, trầy xước và chà xát tạo ra những tổn thương khô, lichen hóa trên da.

    Phân bố tổn thương phụ thuộc vào tuổi. Ở trẻ nhũ nhi, tổn thương đặc trưng xảy ra ở mặt, da đầu, cổ, mí mắt và mặt duỗi của các chi. Ở trẻ lớn và người lớn, các tổn thương xảy ra trên các mặt gấp như cổ, khuỷu tay, khoeo chân.

    Ngứa dữ dội là một đặc điểm chính. Ngứa thường xuất hiện trước các tổn thương và trầm trọng hơn khi không khí khô, đổ mồ hôi, kích ứng tại chỗ, quần áo len và căng thẳng về cảm xúc.

  4. Các tác nhân môi trường thường gặp khởi phát triệu chứng
    • Tắm hoặc giặt quá nhiều
    • Xà phòng loại mạnh
    • Staphylococcus aureus cư trú ở da
    • Mồ hôi
    • Vải thô và len
  5. Biến chứng của viêm da cơ địa
    Nhiễm khuẩn thứ phát, đặc biệt là nhiễm khuẩn tụ cầu và liên cầu (ví dụ: chốc lở, viêm mô tế bào).
     
    Chứng đỏ da (ban đỏ bao phủ hơn 70% diện tích bề mặt cơ thể), hiếm gặp nhưng có thể xuất hiện khi viêm da cơ địa nặng.
     
    Nguy cơ cao bị phản ứng dị ứng do tiếp xúc.
  6. Chẩn đoán viêm da cơ địa: là chẩn đoán lâm sàng. Đôi khi, rất khó phân biệt với các bệnh da khác:
    • Viêm da tiết bã
    • Viêm da tiếp xúc (kích ứng hoặc dị ứng)
    • Bệnh vẩy nến
    • Viêm da thể đồng tiền (không dị ứng)
    • Bệnh ghẻ
    • Bệnh vẩy cá
    • U lympho tế bào T ở da
    • Bệnh da nhạy cảm ánh sáng
    • Các bệnh suy giảm miễn dịch
    • Đỏ da toàn thân của các nguyên nhân khác

    Không có xét nghiệm nào chẩn đoán xác định viêm da cơ địa. Tuy nhiên, xét nghiệm dị ứng loại I (test lẩy da hoặc đo nồng độ IgE đặc hiệu với chất gây dị ứng và nồng độ IgE toàn phần) có thể giúp xác nhận tạng dị ứng.

  7. Điều trị viêm da cơ địa: Điều trị viêm da cơ địa hiệu quả nhất khi giải quyết các quá trình sinh lý bệnh tiềm ẩn. Việc chọn lựa và phối hợp các phương pháp điều trị phù hợp giúp ổn định bệnh mà không gây thêm tổn thương cho da
     
    Chăm sóc da toàn thân nên tập trung vào các nguồn gây kích ứng da phổ biến nhất, là rửa quá nhiều cũng như dùng xà phòng mạnh.

    • Hạn chế tần suất và thời gian tắm rửa (chỉ nên dùng vòi hoa sen/bồn tắm một lần mỗi ngày). Giới hạn nhiệt độ nước tắm ở mức âm ấm. Tránh chà xát quá mạnh và thay vào đó vỗ nhẹ cho da khô sau khi tắm sen/tắm bồn. Đối với bội nhiễm da (ví dụ, khi đóng vẩy màu vàng gợi ý bệnh chốc lở), tắm bằng thuốc tẩy pha loãng
    • Bôi kem dưỡng ẩm (thuốc mỡ hoặc kem – các sản phẩm có chứa ceramide đặc biệt hiệu quả)

    Thuốc kháng histamine dạng uống có thể giúp làm giảm ngứa qua tác dụng an thần.

    Giảm căng thẳng cảm xúc: rất cần thiết và giúp phá vỡ chu kỳ ngứa gãi. Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến mọi thành viên gia đình. Móng tay nên được cắt ngắn để tránh gãi và nhiễm trùng thứ phát.

    Corticosteroid tại chỗ: Các corticosteroid tại chỗ là lựa chọn chính trong điều trị. Cần thận trọng nên chỉ sử dụng khi có chỉ định của BS chuyên khoa. Chú ý sử dụng đúng theo hướng dẫn để tránh các tai biến.

    Các thuốc ức chế calcineurin bôi tại chỗ: Tacrolimus và pimecrolimus

    Crisaborole bôi tại chỗ

    Ruxolitinib dạng bôi

    Quang trị liệu

    Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân

    Thuốc sinh học đường toàn thân

    Điều trị bội nhiễm: kháng sinh hay kháng virus

  8. Tiên lượng
    Bệnh ở trẻ em thường giảm sau 5 tuổi, mặc dù bệnh nặng thường xảy ra ở trẻ vị thành niên và ở độ tuổi trưởng thành.
     
    Trẻ em gái và bệnh nhân mắc bệnh nặng, khởi phát sớm, tiền sử gia đình, bị viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn kèm theo có nhiều khả năng bị bệnh kéo dài. Ngay cả ở những bệnh nhân này, viêm da cơ địa thường khỏi hoặc giảm đáng kể ở tuổi trưởng thành.
     
    Viêm da cơ địa có thể để lại di chứng tâm lý lâu dài khi trẻ em phải đối mặt với những thách thức khi sống chung với căn bệnh da liễu có thể nhìn thấy, đôi khi gây tàn tật trong những năm trưởng thành của trẻ.

Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da tái phát mạn tính với cơ chế bệnh sinh phức tạp. Vì thế việc điều trị cần đúng cách, chọn lựa phối hợp nhiều biện pháp để có thể ổn định bệnh mà không gây tác dụng phụ lên toàn thân và gây tổn thương thêm cho làn da vốn đã rất nhạy cảm. Việc điều trị với bác sĩ chuyên khoa da liễu do đó vô cùng quan trọng. Nếu bị viêm da cơ địa, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, hãy đến Dr.Hung Skin Health Clinic. Bạn sẽ được chính BSCKII Da liễu Nguyễn Thanh Hùng trực tiếp thăm khám, điều trị và theo dõi.

————————-

🌷 DR.HUNG SKIN HEALTH CLINIC

Làn da của bạn – Hình ảnh của bạn

👨🏻‍⚕️BS.CKII. NGUYỄN THANH HÙNG

– Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Da Liễu TPHCM

– Nguyên Phó Giám Đốc Bệnh Viện Da Liễu TP.HCM

– Thành viên Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ (AAD)

– Hội viên Hội Da Liễu ASEAN – Hội Da Liễu Việt Nam)

– 30 năm kinh nghiệm điều trị Da Thẩm mỹ Nội khoa, thấu hiểu làn da Việt

🏠 512 Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3, TP.HCM

📞 0911 873 378

🌎 bshungdalieu.com

#DrHungSkinHeathClinic #DrHung #LànDaCủaBạnHìnhẢnhCủaBạn

#Viêm_da_cơ_địa #Chàm #Cơ_Địa_Dị_Ứng #Dưỡng_Ẩm

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now Button