- Nám má là gì?
Nám má, hay còn gọi là rám má, là những đốm tròn nhỏ có màu vàng, nâu đậm, hay xanh xám thường xuất hiện ở mặt. Dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ, nám má gây tác hại nhiều về thẩm mỹ, làm mất tự tin, đặc biệt ở phụ nữ. Nám má là tình trạng tăng sắc tố da lành tính, do sự tích tụ các hạt melanin ở lớp biểu bì hoặc trung bì, do sự sản xuất quá mức của các tế bào sản xuất hắc tố ở lớp đáy của da.
Nám má dễ bị nhẫm lẫn với một số tình trạng da khác, do đó, bạn cần gặp bác sĩ da liễu để có thể được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
- Nám má thường xuất hiện ở đâu?
Nám mà thường xuất hiện nhất má, mũi, cằm và trán; ở tay, cổ và lưng ít gặp hơn.
Thực tế, nám má có thể gặp ở bất kỳ phần da nào tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
- Những ai có thể bị nám má?
Nám má rất phổ biến, thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới. Khoảng 90% những người bị nám má là phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản (20-40 tuổi). Đôi khi nám má được gọi là “mặt nạ thai kỳ”, vì nó xuất hiện và nặng hơn ở phụ nữ đang mang thai (15-50% trường hợp). Nám má dễ gặp ở những người có làn da tối màu hơn là da sáng.
- Các loại nám má
Có ba loại nám má, tuỳ thuộc vào độ sâu của sắc tố được quan sát dưới ánh sáng đèn Wood, bao gồm:
- Nám nông (nám thượng bì): là những dát màu vàng tới nâu sẫm, bờ rõ và hiện rõ dưới ánh sáng đèn Wood và đôi khi đáp ứng tốt với điều trị.
- Nám sâu (nám bì): là những dát màu nâu nhạt hoặc hơi xanh, viền mờ, không thay đổi dưới anh sáng đèn Wood, và thường không đáp ứng tốt với điều trị.
- Nám hỗn hợp: là loại nám thường gặp nhất, có cả mảng hơi xanh, nâu, biểu hiện hỗn hợp dưới ánh sáng đèn Wood và một số có thể đáp ứng với điều trị.
- Nguyên nhân gây nám má?
Có 2 nguyên nhân chính gây nám má: tia bức xạ (như là tia cực tím, ánh sáng nhìn thấy hay tia hồng ngoại) và nội tiết tố.
Tia cực tím và tia hồng ngoại từ ánh sáng mặt trời là nguyên nhân chính làm nặng hơn tình trạng nám má.
Một số nguyên nhân khác gây nám má bao gồm:
Thuốc: Thuốc chống động kinh, thuốc ngừa thai.
Thai kỳ: cơ chế chưa rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự gia tăng nồng độ estrogen, progesterone và MSH trong tam cá nguyệt cuối của thai kỳ ảnh hưởng đến nám má.
Di truyền: khoảng 33 – 50% bệnh nhân nám má có tiền sử gia đình bị nám má. Đa số các cặp song sinh cùng trứng đều bị nám má.
Bệnh lý tuyến giáp: bệnh lý tuyến giáp gây nám má và điều trị bệnh lý tuyến giáp có thể giúp cải thiện tình trạng trên.
Ánh sáng đèn LED: nám má có thể bị gây ra bởi ánh sáng đèn LED từ các thiết bị như Tivi, máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng.
Stress: vấn đề này vẫn đang còn tranh cãi, một số kết quả nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể gây ra nám má (có thể là do căng thẳng khiến cơ thể sản xuất ra nhiều hormone cortisol).
Phản ứng độc da ánh sáng do thuốc: Một số thuốc làm cho da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời: kháng sinh, NSAIDs, lợi tiểu, retinoids, hạ đường huyết, chống loạn thần, thuốc nhắm trúng đích và một số thuốc khác.
Sản phẩm chăm sóc da: 1 số sản phẩm có thể gây kích ứng da, làm cho nám má nặng hơn.
Trang điểm: một vài mỹ phẩm có thể gây phản ứng độc da do ánh sáng.
Xà phòng: một vài loại xà phòng thơm được cho là gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng nám da.
Giường tắm nắng: tia UV sản xuất ra từ giường tắm nắng gây tổn thương da giống như là khi tiếp xúc tia UV từ ánh sáng mặt trời, và có thể làm nặng hơn tình trạng nám má.
- Nám má có thể thành ung thư da?
Nám má là một bệnh lý sắc tố lành tính và không có khả năng gây ung thư da. Có thể phân biệt với ung thư da bởi các biểu hiện đặc trưng như là những dát màu vàng, nâu sẫm, bằng với mặt da và thường có cả hai bên mặt. Tuy nhiên, nám má có thể bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý da khác như:
Lichen phẳng và lichen phẳng dày sừng ánh sáng
Tăng sắc tố do thuốc
Ochoronosis ngoại sinh do hydroquinone
Đồi mồi
Bớt Hori
Bớt Ota
Tăng sắc tố sau viêm
- Làm sao để loại bỏ nám má?
Một số trường hợp nám má có thể mờ dần đi sau vài tháng, tuy nhiên cũng có thể kéo dài đến suốt đời. Đa số trường hợp có thể cải thiện khi được điều trị thích hợp.
- Chẩn đoán nám má?
Nám má được bác sĩ chẩn đoán dựa vào thăm khám trực tiếp da của bạn và có thể dùng đèn Wood hỗ trợ để phân loại nám má. Trong 1 số ít trường hợp, bác sĩ có thể cần thực hiện sinh thiết da để phân biệt với một số bệnh lý da khác.
- Điều trị nám má như thế nào?
Nám má là tình trạng da khó điều trị. Để lên kế hoạch điều trị, đầu tiên sẽ phải điều trị những nguyên nhân gây nám má.
Tuỳ thuộc vào mỗi người, nám má có thể tự hết hoặc tồn tại vĩnh viễn, hoặc có thể đáp ứng điều trị thích hợp trong vài tháng.
Mục tiêu điều trị:
Giảm lượng sắc tố mà cơ thể bạn tạo ra
Làm đều màu da, khôi phục lại màu sắc tự nhiên của làn da bạn
Để đạt được những mục tiêu trên, kế hoạch điều trị cần thật sự khoa học và hợp lý, bao gồm kết hợp nhiều biện pháp tùy trường hợp:
Tránh nắng: ánh nắng mặt trời làm cho da trở nên đen hơn, gây ra nám và làm nặng lên tình trạng nám. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng, SPF 30+, thoa trước khi ra nắng 15-30 phút, lặp lại mỗi 2-3h hoặc khi ra mồ hôi nhiều, khi đi bơi. Nên sử dụng kem chống nắng chứa các thành phần như kẽm oxit, titan oxit, sắt oxit.
Thuốc thoa ức chế tyrosinase ngăn ngừa sự hình thành sắc tố mới bằng việc ngưng sản xuất melanin (sắc tố đen)
Hydroquinone: là thuốc thoa được sử dụng phổ biến trong điều trị nám má có tác dụng làm đều màu da. Là sản phẩm kê toa và phải sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tretinoin kết hợp corticoid nhẹ: hợp chất có hiệu quả giảm viêm và đều màu da.
Bộ ba kết hợp tretinoin – hydrquinone – corticoid: có tác dụng giảm viêm, làm đều màu da được đánh giá là rất hiệu quả trên nám má.
Một số hoạt chất khác cũng có hiệu quả trên điều trị nám má:
Absorbic acid (vitamin C), arbutin, deoxyarbutin, glutathione, kojic acid hoặc kojic acid dipalmitate, cysteamin, azelaic acid (an toàn cho thai kỳ), chiết xuất từ mầm đậu nành, niacinamide, licorice extract, mequinol, resvaratrol, runicol, zinc sulfate.
Thuốc bôi không phải là lựa chọn duy nhất, để đạt được hiệu quả tối ưu bác sĩ có thể sẽ kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác:
Lột da bằng hoá chất: giúp loại bỏ sắc tố bề mặt.
Lăn kim vi điểm: thủ thuật xâm lấn tối thiểu tạo ra những vi tổn thương, lúc lành sẽ giúp đều màu da hơn.
Laser và ánh sáng trị liệu: laser và ánh sáng sẽ giúp cải thiện hiệu quả ở nếu bạn chưa đáp ứng với thuốc thoa và chống nắng.
Huyết tương giàu tiểu cầu: thủ thuật này lấy máu tự thân của bạn đem quay ly tâm và thu được khối huyết tương giàu tiểu cầu chứa nhiều yếu tố tăng trưởng khi tiêm vào vùng da bị nám giúp cải thiện màu da của bạn.
Thuốc uống:
Tranexamic acid
Polypodium leucotomos
Glutathion
Tóm lại
Nám má là sự tăng sắc tố da lành tính, mạn tính và tái phát có thể ảnh hưởng nhiều đến sắc đẹp và sự tự tin. Việc điều trị nám má cũng là một thách thức đối với bác sĩ da liễu. Để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, bạn cần bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, sử dụng thuốc thoa hợp lý và kết hợp thêm các biện pháp điều trị khác theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.uptodate.com/contents/melasma-management?search=melasma&source=search_result&selectedTitle=1~70&usage_type=default&display_rank=1#H3131803832
- https://www.aad.org/public/diseases/a-z/melasma-treatment
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21454-melasma#:~:text=Melasma%20is%20a%20skin%20condition,and%20some%20treatments%20may%20help.